Khu kinh tế Ninh Cơ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa vào quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển tại Quyết định số 1453/QĐ-TTg ngày 24/9/2020. Ngày 31/10/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Báo cáo số 9021/BC-BKHĐT về kết quả thẩm định Hồ sơ Đề án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ, mở ra tiềm năng phát triển, động lực tăng trưởng mới cho Nam Định.
Quyết tâm chính trị lớn
Phát triển khu kinh tế là một trong những chủ trương, chiến lược quan trọng nhất của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế nhằm khai thác lợi thế về vị trí địa lý kinh tế, chính trị, các tiềm năng và nguồn lực của dải đất ven biển.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ra Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 22/10/2018 về phát triển bền vững kinh tế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhấn mạnh khu kinh tế ven biển phải đóng vai trò chủ đạo trong phát triển vùng và gắn kết liên vùng theo mô hình, tiêu chí tăng trưởng xanh, thông minh.
Phát triển hướng biển, với trọng tâm là thành lập và phát triển Khu kinh tế Ninh Cơ là quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng bộ và nhân dân Nam Định. Ngày 25/7/2011, Tỉnh ủy Nam Định đã ra Nghị quyết số 09-NQ/TU về thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ; ngày 18/6/2021, Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển Nam Định giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Quy hoạch tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2025 đã nhấn mạnh: phát triển Khu kinh tế Ninh Cơ trở thành khu vực tạo động lực thúc đẩy mang tính đột phá của tỉnh.
Đến nay, cả nước đã có 18 khu kinh tế ven biển với tổng diện tích 871.500 ha được thành lập và đi vào hoạt động. Ninh Cơ là khu kinh tế thứ 19, đang được đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê quyết định thành lập.
Động lực tăng trưởng mới
Theo đề án, Khu kinh tế Ninh Cơ có diện tích 13.950 ha, bao gồm phía Nam huyện Nghĩa Hưng và Hải Hậu. Huyện Nghĩa Hưng có thị trấn Rạng Đông, các xã Nghĩa Bình, Phúc Thắng, Nghĩa Lợi, Nam Điền cùng các vùng bãi bồi. Huyện Hải Hậu có thị trấn Thịnh Long và các xã Hải Ninh, Hải Châu, Hải Hòa. Đề án đã xác định mục tiêu phát triển Khu kinh tế Ninh Cơ nhằm khai thác tối đa lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao, lợi thế về vị trí trong việc kết nối kinh tế, thương mại, dịch vụ với các địa bàn lân cận, góp phần thu hẹp khoảng cách với vùng Đồng bằng sông Hồng và các vùng khác; kết hợp chặt chẽ giữa thu hút đầu tư, phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo tồn, phát huy giá trị hệ sinh thái biển, di tích lịch sử, văn hóa.
Phát triển Khu kinh tế Ninh Cơ trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa chức năng, là trọng điểm phát triển mang tính đột phá của tỉnh Nam Định; là một trung tâm kinh tế biển, có cảng biển tổng hợp và cơ sở hạ tầng đồng bộ, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, tạo việc làm, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cùng thu nhập cho người dân.
Phát triển Khu kinh tế Ninh Cơ với các ngành chủ chốt là công nghiệp vật liệu xây dựng như thép xanh, xi măng, kính nổi; công nghiệp chế biến, chế tạo cơ khí, công nghiệp năng lượng sạch, điện khí, điện gió; dịch vụ kho vận, tổng kho xăng dầu, tổng kho khí, cảng biển, dịch vụ vận tải và logistics, thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng; nông – ngư nghiệp công nghệ cao, một khu vực phát triển kinh tế biển năng động, hiệu quả.
Phấn đấu đến năm 2030, tổng giá trị sản phẩm Khu kinh tế Ninh Cơ chiếm tỷ trọng 25-30% so với toàn tỉnh; tỷ trọng khu vực nông, lâm và thủy sản giảm còn 15% và tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ đạt 85%. Đến năm 2030, tổng thu ngân sách nhà nước từ Khu kinh tế Ninh Cơ đạt khoảng 3.000 tỷ đồng, đưa Ninh Cơ trở thành động lực tăng trưởng kinh tế tỉnh Nam Định và lan tỏa trong khu vực.
Giai đoạn 2025-2030, phấn đấu nâng cấp đô thị thị trấn Rạng Đông và Thịnh Long lên loại IV và hai đô thị này sẽ sáp nhập thành đô thị Thịnh Long – Rạng Đông, đạt tiêu chí loại III vào giai đoạn 2031-2050. Cũng giai đoạn này mở rộng Khu kinh tế Ninh Cơ theo hướng biển, lấn biển và đất liền, xây dựng hệ thống kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại và nghiên cứu các dự án sản xuất mới.
Phấn đấu Khu kinh tế Ninh Cơ có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có cảng tổng hợp và các loại hình dịch vụ logistics và vận tải, thương mại, công nghệ thông tin, du lịch, giáo dục, y tế… chất lượng cao, kết nối thuận lợi với thị trường trong nước và quốc tế, góp phần đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa và nâng tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh Nam Định lên mức 45,6% vào năm 2030. Là một trung tâm kinh tế biển, là đô thị – công nghiệp – dịch vụ – du lịch đồng bộ, hiện đại, phát triển theo mô hình đô thị xanh, thông minh, gắn với tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, một hệ sinh thái thân thiện với môi trưởng và phát triển bền vững. Phấn đấu khởi công cảng biển chuyên dùng và một số công trình trọng điểm trong Khu kinh tế. Phấn đấu đạt tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp trong Khu kinh tế đạt 74 – 75%, tạo việc làm cho khoảng 55.000 người vào năm 2030.
Đảm bảo an toàn 100% tuyến đê biển, sông, môi trường sinh thái, nhất là hệ sinh thái ven biển. 100% nước thải công nghiệp, sinh hoạt, y tế của Khu kinh tế Ninh Cơ được xử lý đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường.
Mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội lớn
Khu kinh tế Ninh Cơ được kỳ vọng khi đi vào hoạt động sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế – xã hội, đạt mức tăng trưởng kinh tế trung bình 14-15%/năm trong giai đoạn 2026-2030. Đến năm 2030, Khu kinh tế Ninh Cơ sẽ đóng góp 25-30% GRDP của Nam Định, trở thành động lực chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp – xây dựng, thương mại, dịch vụ và đến năm 2030, nông, lâm, thuỷ sản tại Khu kinh tế giảm còn 15%.
Tổng vốn đầu tư vào Khu kinh tế giai đoạn 2021 – 2030 khoảng 83.500 tỷ đồng. Trong đó, các dự án trọng điểm khoảng 79.500 tỷ đồng, chiếm 95%. Khu kinh tế Ninh Cơ dự báo có khả năng tạo nhiều việc làm, đến năm 2050 là 80.000 – 85.000 lao động.
Các dự án động lực tại Khu kinh tế Ninh Cơ như Nhà máy Thép xanh số 1 Xuân Thiện Nghĩa Hưng, Nhà máy sản xuất cầu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nam Định, Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông, cảng biển tổng hợp… đến năm 2030 sẽ đóng góp vào ngân sách khoảng 3.000 tỷ đồng để phát triển hạ tầng, nâng cao đời sống người dân.
Khu kinh tế Ninh Cơ, với đường bộ ven biển đi qua, kết nối thuận lợi với cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh và cao tốc Bắc – Nam; là đầu mối giao thông thủy của vùng với 2 cửa sông lớn là Ninh Cơ và sông Đáy. Khu kinh tế Ninh Cơ có tiềm năng lớn để xây dựng hệ thống cảng biển tổng hợp tiếp nhận tàu tải trọng đến 300.000 DWT phục vụ Khu kinh tế và nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của khu vực.
Khu kinh tế Ninh Cơ sẽ giúp đẩy mạnh quá trình đô thị hóa trên địa bản các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu nói riêng và tỉnh Nam Định nói chung, hiện thực mục tiêu đô thị hóa của Nam Định đạt 45,6% năm 2030 .
Thành lập và phát triển Khu kinh tế Ninh Cơ không chỉ tạo động lực phát triển kinh tế cho tỉnh Nam Định, mà còn có tác động lan tỏa, kết nối với các khu kinh tế ven biển của các tỉnh, thành phố như Thanh Hóa, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh…, hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng, tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho khu vực Đồng bằng sông Hồng và cả vành đai kinh tế Vịnh Bắc bộ.