Bình Phước: Tập trung phát triển khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế

Để đưa Bình Phước trở thành một trong những địa phương phát triển năng độngthì việc hình thành các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT), cụm công nghiệp (CCN) sẽ góp phần tăng trưởng ngành công nghiệp xây dựng và thương mại,…

03/01/2023

Nguyễn Hồng Trà - Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ - Môi Trường và Đô Thị

Xuất phát điểm là tỉnh nông – lâm nghiệp, với chiến lược xây dựng các khu, cụm công nghiệp tập trung làm đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế – xã hội, để đưa Bình Phước trở thành một trong những địa phương phát triển năng động trong khu vực Đông Nam Bộ thì việc hình thành các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT), cụm công nghiệp (CCN) sẽ góp phần tăng trưởng ngành công nghiệp xây dựng và thương mại, dịch vụ, đưa cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch đúng hướng.

Để đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư nắm bắt và triển khai thủ tục đầu tư nhanh, chính xác, Sở Công Thương đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét, giao cơ quan chuyên môn thực hiện các thủ tục trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, sau đó mới lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định. Đồng thời hỗ trợ có chọn lọc, theo thứ tự ưu tiên CCN để làm đầu tàu phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn đi đôi với việc hình thành, phát triển các ngành nghề, sản phẩm mới, tạo ra chuỗi liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp nông thôn gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của từng địa phương.

Xã hội hóa đầu tư hạ tầng và quảng bá, xúc tiến đầu tư

Thực hiện đường lối đổi mới, trong những năm qua, đảng bộ và chính quyền các cấp trong tỉnh đã lãnh đạo hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tập trung phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững an ninh chính trị. Tỉnh đã vận dụng hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tạo được môi trường thuận lợi, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước; số lượng doanh nghiệp, KCN không ngừng tăng.

Hiện nay, trong bối cảnh phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Bình Phước là tỉnh có nhiều ưu thế về nguồn nhân lực lao động dồi dào, tài nguyên phong phú, đa dạng, rất phù hợp với mục tiêu thu hút các dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại, có tính bền vững. Để đón làn sóng đầu tư mới, phát triển KCN bền vững theo chiều sâu, đạt hiệu quả cao về kinh tế và thân thiện môi trường, Tỉnh ủy, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương rà soát, báo cáo việc thu hút đầu tư phải phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế – xã hội và có chọn lọc… Các KCN nâng cấp theo định hướng chuyên biệt, sinh thái theo hướng xã hội hóa từ xây dựng hạ tầng kỹ thuật đến quảng bá, xúc tiến đầu tư để lựa chọn dự án theo định hướng mới về cơ cấu ngành, lĩnh vực trong KCN. Đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm cung cấp các dịch vụ hành chính thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Cơ quan chức năng và các địa phương phải quan tâm đến việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rào cản, điểm nghẽn trong phát triển kinh tế – xã hội, nhất là cơ chế, chính sách, đảm bảo đồng bộ, thống nhất, phù hợp, không chồng chéo với các quy định mới của các luật chuyên ngành, tạo hành lang pháp lý ổn định cho công tác quản lý nhà nước đối với các KCN. Nghiêm túc thực hiện theo định hướng ưu tiên đầu tư của tỉnh là phát triển các KCN theo hướng “xanh”, bền vững, khai thác các lợi thế để phát triển theo chiều sâu, liên kết mở, hội nhập khu vực và quốc tế; chú trọng lựa chọn, thu hút các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính, công nghệ và kinh nghiệm để tạo động lực lan tỏa phát triển kinh tế – xã hội; tiếp tục thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp mà tỉnh có lợi thế; lựa chọn phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, có sức cạnh tranh cao và tập trung kêu gọi đầu tư về chế biến nông sản, vật liệu xây dựng, cơ khí chế tạo, phát triển công nghiệp phụ trợ. Tuy nhiên, phải đảm bảo hài hòa lợi ích lâu dài, lấy hiệu quả kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững làm mục tiêu cao nhất.

Lựa chọn nhà đầu tư bảo đảm đủ năng lực

Kết luận số 361-KL/TU ngày 25-6-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển KCN, KKT, CCN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 yêu cầu phát triển các KCN, KKT, CCN phải bảo đảm phù hợp, là nội dung quan trọng trong quy hoạch của tỉnh, trên cơ sở sử dụng hiệu quả và tiết kiệm nguồn lực đất đai và chỉ tiêu đất công nghiệp được phân bổ, bảo đảm tính hiệu quả, khả thi của các dự án KCN, CCN và phát huy các lợi thế của tỉnh về nguồn lực đất đai và vị trí trong khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ; tạo động lực thu hút mạnh mẽ đầu tư trong và ngoài nước, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Lựa chọn nhà đầu tư KCN, CCN theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm và năng lực phát triển KCN, CCN. Gắn phát triển các KCN, KKT, CCN với chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, các hoạt động xúc tiến đầu tư, phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, tạo lợi thế so sánh để thu hút các dự án đầu tư có quy mô và chất lượng, góp phần đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phát triển công nghiệp của tỉnh.

Tuy nhiên thời gian qua, bên cạnh các thành tựu đạt được, việc phát triển các KCN, KKT, CCN còn một số tồn tại, hạn chế. Hiệu quả sử dụng đất thấp, diện tích đất và chỉ tiêu đất công nghiệp sử dụng lớn. Tiến độ triển khai chậm. Tỷ lệ lấp đầy thấp. Chất lượng thu hút đầu tư chưa cao. Nhiều ngành nghề có suất đầu tư thấp, thâm dụng lao động và có trình độ công nghệ chưa cao, chủ yếu phát triển theo chiều rộng. Chưa chú trọng nâng cao hiệu quả và đổi mới mô hình phát triển KCN, KKT. Khả năng thu hút đầu tư của một số KCN còn thấp, chưa đảm bảo bền vững trên 3 khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. Mặt khác, do quy hoạch nhiều KCN, KKT có quy mô quá lớn, trong khi nguồn lực đầu tư, năng lực quản lý và các chính sách ưu đãi để phát triển chưa thực sự hấp dẫn. Vị trí và quy mô của nhiều phân khu chức năng của một số dự án quy hoạch, nhất là các KKT chưa thực sự hợp lý nên trong quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn. Quá trình triển khai đầu tư thực hiện quy hoạch phát sinh một số bất cập do chồng lấn quy hoạch đất rừng, đất vành đai biên giới, đất đã cấp cho các dự án khác nên gặp khó khăn, trì trệ. Một số KCN, CCN, KKT còn hạn chế về năng lực tài chính, thiếu kinh nghiệm đầu tư nên kéo dài thời gian triển khai thực hiện dự án…

KCN Becamex Chơn Thành

Ảnh minh hoạ

Chú trọng phát triển cụm công nghiệp chuyên ngành

Để phát triển các KCN, KKT, CCN, Tỉnh ủy yêu cầu các cơ quan, đơn vị chức năng và các địa phương tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp sau:

Kiến nghị bổ sung, điều chỉnh quy hoạch để làm cơ sở triển khai phát triển hệ thống KCN, KKT, CCN giai đoạn 2021-2030. Kiên quyết triển khai các dự án KCN, CNN một cách khả thi, hiệu quả; tránh tình trạng lãng phí tài nguyên đất và chỉ tiêu đất công nghiệp. Tập trung phát triển các KCN với diện tích dự án dưới 500 ha; không phát triển các dự án KCN quá lớn với diện tích trên 1.000 ha. Phát triển các CCN một cách vững chắc, phù hợp với nhu cầu phát triển công nghiệp của các địa phương. Mỗi địa phương cấp huyện phát triển không quá 3 CCN. Chú trọng phát triển một số CCN chuyên ngành.

Tập trung giải phóng mặt bằng các KCN, CCN, KKT đã được cấp phép và đầu tư hạ tầng, hạn chế tối đa nguy cơ thiếu quỹ đất sạch do các diện tích cũ đã lấp đầy nhưng KCN, CCN mới chưa triển khai thu hút đầu tư. Tập trung nguồn lực ưu tiên các KCN, CCN có vị trí và điều kiện thuận lợi tại địa bàn thị xã Chơn Thành, thành phố Đồng Xoài và huyện Đồng Phú trong giai đoạn 2021-2025 và các huyện Hớn Quản, Phú Riềng giai đoạn 2026-2030.

Phát triển các KCN, KKT, CCN phải gắn với đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở chuyên gia; rà soát, bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở cho công nhân. Đồng thời bổ sung công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như nhà trẻ, trường học, công trình y tế, văn hóa, thể thao… Kết nối KCN với khu dân cư liền kề để cùng phát triển khu đô thị, KCN, khu thương mại – dịch vụ đảm bảo KCN phát triển bền vững. Phát triển liên kết các KCN thành vùng công nghiệp, hình thành vùng công nghiệp chuyên sâu và công nghiệp địa phương.

Thường xuyên rà soát, bổ sung nhằm hoàn thiện quy định về chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm giải quyết các thủ tục cho nhà đầu tư. Tăng cường hơn nữa công tác thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư cũng như kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư. Đẩy mạnh và đổi mới, sáng tạo trong công tác xúc tiến đầu tư. Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực Tây Nguyên. Bên cạnh đó, chú trọng đầu tư, nâng cấp mạng lưới đường nội tỉnh và đường tỉnh lộ nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa các KCN, KKT, CCN. Lập danh mục các KCN trên địa bàn tỉnh; khuyến khích kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực, tài chính đầu tư đồng bộ hạ tầng KCN, KKT, CCN, trong đó có hệ thống xử lý nước thải tập trung, công nghệ hiện đại.

Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu thị trường. Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tiếp tục chuyển đổi nghề nghiệp từ nguồn lao động dôi dư trong khu vực nông thôn sang công nghiệp và dịch vụ. Cơ cấu sử dụng đất trong KCN cần linh hoạt, phù hợp với nhiều loại hình đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho loại hình logictics được tích hợp tối ưu trong KCN. Đối với đất ở, dịch vụ thương mại cần đổi mới nhằm hướng tới mô hình đô thị – công nghiệp đồng bộ, tạo sức hấp dẫn cho KCN và tạo điều kiện cho công nhân, chuyên gia được hưởng thụ tiện ích đô thị và hạ tầng xã hội. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, rà soát các nội dung quy hoạch bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế./.